Người “thổi hồn” vào những bông hồng bất tử

https://thuonghieuvaphapluat.vn/nguoi-thoi-hon-vao-nhung-bong-hong-bat-tu-d63123.html?fbclid=IwAR3lI1HNcHPq_-K9PmPornM2n1z8vemAHL6W-S-77o997CRzFnZ_61rVdsU

Người “thổi hồn” vào những bông hồng bất tử

(THPL) – Không học qua bất kỳ trường lớp nào, chàng “kỹ sư” Đinh Văn Tuấn (sinh năm 1983) lại có một phương pháp “bất tử” giữ được trọn vẹn màu sắc hoa hồng tươi không bị héo mòn theo thời gian.

Những bông hoa hồng Mê Linh khi còn tươi thì được nâng niu, còn khi đã tàn úa lại bị vứt bỏ. Không chịu chấp nhận quy luật ấy, anh Tuấn đã “thổi” một làn gió mới khiến chúng được khoe sắc khoe hương, mãi mãi căng tràn nhựa sống.

“Kỹ sư” ướp hoa học hết lớp 9

Không ngần ngại chia sẻ, anh Tuấn cho biết mình chỉ học hết đến lớp 9 rồi trải qua bách nghệ như: Thợ xây, công nhân nhà máy, làm bánh giầy, chạy xe ôm…và cuối cùng bén duyên với nghề cắm hoa tươi.

Được tự tay cắm những bông hoa hồng tươi tại làng của mình làm ra, cũng tự tay mình vứt bỏ những bông hồng khi đã tàn phai. Anh Tuấn lúc ấy mới trăn trở làm cách nào khiến cho những bông hồng quê hương mình được “bất tử” và trở thành thương hiệu hoa hồng Việt Nam đầu tiên có thể vươn mình ra biển lớn, có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Anh Đinh Văn Tuấn, người đã có kỹ thuật ướp hoa “bất tử”, tươi mãi không tàn.

Hoa được ướp một cách chỉn chu, hình dáng và màu sắc hoa vẫn giữ được nguyên vẹn như ban đầu.

Năm 2017, anh Tuấn đã mày mò, học hỏi kinh nghiệm không chỉ các nghệ nhân nổi tiếng làm hoa khô Việt Nam như: Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Bá Mưu, bà Lê Thị Việt… mà còn ở các nước phát triển khác.

Giống như cách làm trước đó của Nhật Bản, anh Tuấn dùng hạt silica gel để ướp hoa tươi nhằm hút ẩm. Tuy nhiên, hoa khi ướp xong gặp thời tiết nồm sẽ hút ẩm ngược trở lại và phải bỏ đi hoàn toàn. Bỏ hàng trăm triệu đồng tiền vốn nhưng vẫn thất bại, anh Tuấn lúc ấy chán nản và tưởng chừng sẽ bỏ cuộc.

Năm 2019, vực lại tinh thần, anh Tuấn đã tự mày mò sáng tạo ra phương pháp ướp hoa của riêng mình kết hợp cùng kiến thức và công nghệ tiên tiến từ  Philippines. Anh chia sẻ, hoa tươi sau khi cắt sẽ được ướp từ 7-10 ngày trong cát của Nhật, ủ nhiệt độ 40-45 độ tạo khuôn giữ cho hoa nguyên vẹn. Sau khi ướp xong, hoa được mang ra ngoài phơi từ 2-4 ngày cho cuống, đài hoa khô hoàn toàn.

Một bông hoa muốn trở thành bất tử đều phải lựa chọn kỹ lưỡng ngay từ khâu đầu vào. Hoa phải cắt ngay buổi sáng khi mặt trời chưa mọc, điều này khiến cho bông hoa còn đủ độ ẩm, tươi. Những bông hoa này không được chọn hoa đã nở hoàn toàn, chỉ lấy bông chớm nở.

Hoa thành phẩm sẽ được người thợ khéo léo đưa vào bình, cắm kết hợp tạo kiểu dáng của hoa, của bình sao cho thật bắt mắt. Chiếc bình cũng phải đo miệng, cắt kính cho chuẩn 100% và được mài nhẵn. Hoa khi đầy bình thì lập tức đậy nắp, đổ keo dính để không khí không lọt vào bên trong bình hoa. Khâu cuối cùng là vệ sinh keo dính, lau chùi bụi và đóng hộp chống vỡ một cách cẩn thận

“Vạn sự khởi đầu nan” là câu nói anh Tuấn tâm đắc nhất trong cuộc đời làm hoa bất tử của mình. Anh giải thích rằng, dù thất bại cả 10 lần trong lần đầu thử nghiệm là một may mắn. Bởi lẽ, sự thất bại đó như bài giảng thực tế quý báu của bản thân để có một con đường đi đúng hướng, không đi vào vết xe đổ.

Trọn đời “tô sắc, ướp hương” cho hoa lá

Theo anh Tuấn, nếu muốn làm và phát triển được mô hình đòi hỏi phải có 3 trụ cột quan trọng gồm: Vốn, công nghệ và marketing. Tổng số vốn đầu tư cho 3 trụ cột này hơn 8 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ, người “thuyền trưởng” không khác gì đánh một canh bạc được mất. Điều đó đòi hỏi người chủ phải thực sự có tầm nhìn, có tình yêu với nghề.

“Khoa học không ngừng phát triển, nếu không đi tắt đón đầu và chạy theo khoa học, sản phẩm cũng như doanh nghiệp sẽ bị thụt lùi, nhất là đối với những sản phẩm truyền thống của làng nghề”, anh Tuấn nhấn mạnh về sự khó khăn của doanh nghiệp ngành nghề truyền thống hiện nay.

Khi đã quyết tâm trọn đời “tô sắc, ướp hương” cho hoa lá, anh Tuấn cũng mong muốn sẽ truyền lại nghề cũng như chuyển giao công nghệ cho nhiều bà con nông dân địa phương. Tuy nhiên, không phải ai cũng có một số vốn lớn để có thể tạo đột phá, tạo lối đi riêng. Do vậy, hơn 40 lao động địa phương là chủ các vườn hoa đều đến tham gia học nghề từng công đoạn để có kinh nghiệm trước.

“Tôi rất mong muốn, không chỉ riêng mình chiếm giữ độc quyền mà có nhiều bà con nông dân học được nghề, biết nghề”, anh Tuấn nhấn mạnh.

 

Anh Tuấn hướng dẫn cho công nhân tại xưởng của mình đặt nắp kính sao cho chuẩn sau khi đã hoàn thiện thành phẩm.

Để làm ra sản phẩm đòi hỏi người thợ phải có tâm huyết và hội tụ đầy đủ cả 3 yếu tố: hoa, hoá, hoạ.

Hoa sau khi ướp có tuổi thọ từ 15-20 năm, là phương pháp ướp hoa độc đáo, hiếm có trên thế giới.

Không chỉ có riêng sản phẩm làm từ hoa hồng Mê Linh, anh Tuấn còn cho thử nghiệm nhiều loài hoa khác như hoa sen, hoa súng, hoa lan.. tuỳ theo yêu cầu của khách hàng.

Để làm ra sản phẩm đòi hỏi người thợ phải có tâm huyết và hội tụ đầy đủ cả 3 yếu tố: Hoa, hoá, hoạ. Hoa chính là nguyên liệu, là sản phẩm của làng nghề hoa hồng Mê Linh. Hoá là hoá chất đặc biệt, không nguy hại đến môi trường cũng như sức khỏe của người tiêu dùng, vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên của hoa. Còn họa chính là tư duy, cảm quan của người “nghệ sĩ” cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật.

Nghề ướp hoa đã dần đi theo một quỹ đạo, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Tuấn. Anh dành trọn niềm tin và tình yêu với nghề, giúp cho 20 lao động địa phương trong xóm có công ăn việc làm thường xuyên.

Là người khuyết tật, chị Nguyễn Thị Điệp (xã Văn Khê, huyện Mê Linh) cảm thấy vô cùng may mắn vì được anh Tuấn tạo điều kiện tốt nhất để học nghề và làm nghề. Chị Điệp cho biết, công việc không quá vất vả, việc nhẹ hơn so với công việc gia công giày da. Trung bình một ngày chị Điệp làm khoảng 8 tiếng, lương đạt 120.000 đồng/giờ.

Hiện nhiều mặt hàng hoa ướp độc đáo của anh Tuấn đều có mặt ở nhiều tỉnh thành, thị trường không chỉ bó hẹp trong nước và nước ngoài. Tháng 3/2024 tới đây, anh Tuấn sẽ có lô hàng đầu tiên xuất khẩu đi Thái Lan, đó chính là mong mỏi ngày đêm của không chỉ riêng anh mà với cả người dân là nghề của làng hoa hồng Mê Linh.

Quốc An (Bài, ảnh)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *